kiểu sinh sản của thực vật mà cơ thể mới được hình thành trực tiếp từ các cơ quan sinh dưỡng của cơ thể mẹ hoặc từ một phần cơ thể mẹ. Cơ sở của quá trình này là do khả năng tái sinh của thực vật (khả năng khôi phục lại những phần cơ thể bị mất). Có 2 kiểu: SSSD tự nhiên và SSSD nhân tạo.
SSSD tự nhiên rất phổ biến ở thực vật bậc thấp như tảo, nấm. Đối với cơ thể đơn bào như tảo Chlamydomonas, Pinnularia thì SSSD xảy ra bằng cách phân đôi tế bào thành 2, 4, 8, 16 tế bào mới. Nấm men (Saccharomyces) sinh sản theo kiểu nảy chồi: từ 1 tế bào mẹ mọc ra các tế bào con dính liền luôn vào tế bào mẹ và các chồi lại tiếp tục mọc chồi con… Tảo đa bào sinh sản bằng cách cắt dọc sợi tảo hoặc một đoạn cơ thể gọi là sinh sản khúc tảo, gặp ở tảo xoắn (Spirogyra), tảo dao động (Oscillatoria). Ở thực vật có hoa, SSSD rất đa dạng, có trường hợp trở thành kiểu sinh sản chính như bèo tấm (Lemna minor): từ cây mẹ mọc ra cây con, con tách khỏi mẹ thành dạng trưởng thành. Nhiều trường hợp các cây mới sinh ra từ rễ như cây ngấy (Rubus) hay từ đoạn rễ của cây cọ phèn (Protium serratum) có thể mọc lên những chồi, chồi phát triển thành cây. Cây con có thể mọc lên từ các chỗ lõm của mép lá như cây lá bỏng (Bryophyllum calicium). Sinh sản từ thân hay đoạn thân cũng hay gặp trong thiên nhiên như từ một khúc thân xương rồng bà (Opuntia nonacantha) hay từ “lá” rụng xuống đất có thể nảy chồi ra rễ phụ phát triển thành cây mới như cây quỳnh (Epiphyllum oxypetalum).
Dựa vào khả năng tái sinh của thực vật, con người đã thực hiện SSSD bằng cách ghép cây, giâm cành, chiết cành (xt. Chiết cành; Ghép).