Tế bào thần kinh còn được gọi là nơ-ron (là neurone theo tiếng Pháp) là những tế bào có chức năng truyền dẫn các xung điện. Nơ-ron là đơn vị cơ bản cấu thành hệ thống thần kinh và được coi là phần quan trọng nhất của não bộ. Cụ thể, thân và các sợi nhánh của nơ-ron tạo thành chất xám. Sợi trục (nếu đi chung với nhau thành bó được gọi là dây thần kinh) cấu thành chất trắng trong não.
Nơ-ron là những tế bào dài nhất trong cơ thể, được biệt hóa cao độ nên mất trung thể và khả năng phân chia. Tuy vậy, nơ-ron có khả năng tái sinh phần cuối sợi trục nếu bị tổn thương.
Ước tính có khoảng 100 tỷ nơ-ron thần kinh trong não người. Vậy tế bào thần kinh chiếm bao nhiêu phần trăm tế bào não? Dù có số lượng rất lớn nhưng các nơ-ron thần kinh chỉ chiếm 10% tổng số tế bào não. 90% còn lại là các tế bào thần kinh đệm – chiếm khoảng 50% khối lượng toàn bộ não.
Cấu tạo của tế bào thần kinh
Tế bào thần kinh (nơ-ron) được chia thành 3 phần chính:
-
Thân tế bào (còn gọi là Soma): là chỗ phình to của nơ-ron, bao gồm nhân tế bào, thể lưới nội chất, ty thể, ribosom, lysosom, bộ máy Golgi, tơ thần kinh, ống siêu vi và các bào quan khác. Nơ-ron chứa 70 – 80% là nước, vật chất khô có khoảng 80% protein và 20% lipid. Thể tích của tế bào khoảng 600 – 70.000 µm³. Thân nơ-ron cung cấp dinh dưỡng cho nơ-ron, có thể phát sinh xung động thần kinh và có thể tiếp nhận xung động thần kinh từ nơi khác truyền tới nơ-ron.
-
Đuôi gai: là các tua ngắn phát triển từ thân tế bào. Mỗi nơ-ron đều có nhiều đuôi gai, mỗi đuôi gai được chia thành nhiều nhánh, có chức năng tiếp nhận các xung thần kinh từ tế bào khác, truyền chúng tới thân tế bào (tín hiệu hướng tâm). Tác động của các xung này có thể là kích thích hoặc ức chế.
-
Sợi trục (còn gọi là axon): là sợi thần kinh đơn dài, làm nhiệm vụ truyền tín hiệu từ thân tế bào tới tế bào thần kinh khác hoặc tới tế bào cơ. Đường kính của các sợi trục thường có kích thước khác nhau, dao động từ từ 0,5 μm – 22 μm. Dọc sợi trục được bao bọc bởi một lớp vỏ myelin, tạo thành bởi các tế bào Schwann. Bao myelin không liền mạch mà được chia thành từng đoạn. Giữa các bao myelin là các eo Ranvier. Khoảng cách giữa 2 eo Ranvier khoảng 1,5 – 2 mm. Còn diện tích tiếp xúc giữa các nhánh nhỏ phân từ cuối sợi trục của nơ-ron này với sợi nhánh của nơ-ron khác hoặc các cơ quan thụ cảm được gọi là Synapse (khớp thần kinh).